Bà Ngô Thị Huyền (Hà Nội) hỏi: Theo quy định hiện hành, có bao nhiêu loại phụ cấp lương đối với người lao động trong Công ty TNHH Một t...
Bà Ngô Thị Huyền (Hà Nội)
hỏi: Theo quy định hiện hành, có bao nhiêu loại phụ cấp lương đối với người lao
động trong Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu?
Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội cho biết, kể từ ngày 10/6, Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2015
của Bộ có hiệu lực thi hành. Theo đó, có 7 loại phụ cấp lương đối với người lao
động trong Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
![]() |
07 phụ cấp lương trong Cty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu |
Chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Phụ cấp nặng nhọc, độc hại,
nguy hiểm được áp dụng đối với người lao động làm nghề, công việc có điều kiện
lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy
hiểm.
Mức phụ cấp đối với nghề,
công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp nhất bằng 5% và cao
nhất bằng 10%; nghề, công việc có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc
hại, nguy hiểm thấp nhất bằng nhất 7% và cao nhất 15% so với mức lương của nghề
hoặc công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường.
Phụ cấp nặng nhọc, độc hại,
nguy hiểm được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng theo thời gian thực tế làm
công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Làm việc dưới 4 giờ trong
ngày thì được tính bằng 1/2 ngày, làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả
ngày.
Chế độ phụ cấp trách nhiệm
Phụ cấp trách nhiệm được áp
dụng đối với người lao động làm một số công việc thuộc công tác quản lý (như tổ
trưởng, tổ phó, đội trưởng, đội phó, quản đốc, đốc công, trưởng ca, phó trưởng
ca, trưởng kíp, phó trưởng kíp và chức danh tương tự) hoặc công việc đòi hỏi
trách nhiệm cao hơn so với trách nhiệm đã tính trong mức lương của thang lương,
bảng lương (như thủ quỹ, thủ kho, kiểm ngân và chức danh tương tự).
Mức phụ cấp trách nhiệm bảo
đảm cao nhất không vượt quá 10% mức lương của công việc hoặc chức danh trong
thang lương, bảng lương.
Phụ cấp trách nhiệm được
tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng. Khi không làm công việc được hưởng phụ
cấp trách nhiệm từ 1 tháng trở lên thì không hưởng phụ cấp trách nhiệm.
Chế độ phụ cấp lưu động
Phụ cấp lưu động được áp
dụng đối với người lao động làm nghề, công việc phải thường xuyên thay đổi địa
điểm làm việc và nơi ở, như thi công các công trình xây dựng; khảo sát, tìm
kiếm, khoan thăm dò khoáng sản; khảo sát, đo đạc địa hình, địa chính, khảo sát
xây dựng chuyên ngành, sửa chữa, duy tu đường bộ, đường sắt; nạo vét công trình
đường thủy và công việc có điều kiện tương tự.
Mức phụ cấp lưu động bảo đảm
cao nhất không vượt quá 10% mức lương của công việc hoặc chức danh trong thang
lương, bảng lương.
Phụ cấp lưu động được tính
trả cùng kỳ trả lương hàng tháng theo số ngày thực tế lưu động.
Chế độ phụ cấp thu hút
Phụ cấp thu hút được áp dụng
đối với người lao động đến làm ở vùng kinh tế mới, vùng có điều kiện sinh hoạt
đặc biệt khó khăn, công trình cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mà Nhà nước quy
định có phụ cấp thu hút; nghề, công việc công ty cần thu hút lao động.
Công ty rà soát địa bàn,
công trình, nghề, công việc cụ thể để xác định mức độ thu hút đối với người lao
động và thiết kế mức phụ cấp, bảo đảm mức phụ cấp cao nhất không vượt quá 35%
mức lương của chức danh hoặc công việc trong thang lương, bảng lương.
Phụ cấp thu hút được tính
trả cùng kỳ trả lương hàng tháng. Thời gian thực hiện từ 3 đến 5 năm, tùy thuộc
vào điều kiện của địa bàn làm việc hoặc nghề, công việc được áp dụng.
Chế độ phụ cấp khu vực
Phụ cấp khu vực được áp dụng
đối với người lao động làm việc ở địa bàn mà Nhà nước quy định cán bộ, công
chức làm việc ở địa bàn này được hưởng phụ cấp khu vực.
Mức phụ cấp do công ty quyết
định tối đa bằng mức tiền tuyệt đối mà cán bộ, công chức trên địa bàn đang
hưởng.
Phụ cấp khu vực được xác
định theo nơi làm việc của người lao động và tính trả cùng kỳ trả lương hàng
tháng. Khi không làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 1 tháng trở lên thì không
hưởng phụ cấp khu vực.
Chế độ phụ cấp chức vụ
Phụ cấp chức vụ được áp dụng
đối với Trưởng phòng, Phó trưởng phòng (ban) trong trường hợp công ty quy định
Trưởng phòng, Phó trưởng phòng (ban) hưởng lương chuyên môn, cộng phụ cấp chức
vụ.
Công ty đánh giá yếu tố phức
tạp công việc của chức danh Trưởng phòng, Phó trưởng phòng theo Phụ lục số I
ban hành kèm theo Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH, so sánh tương quan với công việc
chuyên môn, nghiệp vụ để xác định mức phụ cấp, bảo đảm cao nhất không vượt quá
15% mức lương chuyên môn, nghiệp vụ cao nhất trong bảng lương của lao động
chuyên môn, nghiệp vụ.
Phụ cấp chức vụ được tính
trả cùng kỳ trả lương hàng tháng. Khi thôi không giữ chức vụ từ 1 tháng trở lên
thì không hưởng phụ cấp chức vụ.
Chế độ phụ cấp khác
Căn cứ nguyên tắc xác định
phụ cấp lương quy định tại Điều 10 Thông tư này, công ty được quy định thêm các
chế độ phụ cấp khác, như phụ cấp khuyến khích người lao động làm việc để bảo
đảm thời gian và định mức lao động, nâng cao kỹ năng thực hiện công việc, làm
việc gắn bó lâu dài với công ty và phụ cấp khác phù hợp với đặc điểm, tính chất
lao động và yêu cầu thực tế của công ty.
Chế độ phụ cấp khác (nếu có)
của công ty phải được báo cáo chủ sở hữu xem xét, thống nhất trước khi triển
khai thực hiện.
Theo
Chinhphu.vn
Không có nhận xét nào